top of page

KHANH VINH SITE - NHA TRANG CITY

1. Tổng quan

Điểm bay Khánh Vĩnh (https://goo.gl/maps/ynniLv661ZJsiDQh8) nằm ở khu vực đèo Khánh Lê, trên đường từ Nha Trang đi Đà Lạt, khu vực bay là một thung lũng rộng khoảng 400 km2 (khu vực hình vuông khoanh viền màu đỏ nét đứt), bao quanh bởi các dãy núi có đỉnh cao từ 800-1000m, cao nhất là ở phía đỉnh đèo hướng đi Đà Lạt (1800-2000m).

Cửa thung lũng hướng ra phía Đông Đông Bắc cách biển khoảng 45km theo đường chim bay. Khu vực bay cơ bản không bị ảnh hưởng bởi gió biển và thời tiết ở đây là thời tiết thung lũng điển hình, ban ngày mặt trời đốt nóng mặt đất, gió thổi từ dưới thung lũng lên các đỉnh núi, đến chiều tối gió thổi từ trên núi xuống. Lưu ý là ở khu vực cửa thung lũng (hình oval viền màu xanh lục) từ sau 13h thường là gió xiết khá mạnh do hiệu ứng venturi.

Mùa khô ở Khánh Vĩnh là từ tháng 1 – tháng 6, mùa bay ngon nhất là tháng 3 – 4, trần mây có thể lên tới hơn 2000m. Vào đầu và cuối mùa bay ngon thường hay có giông tụ ở khu vực đỉnh đèo từ sau buổi trưa cho tới cuối ngày, khi bay cần để ý quan sát xem mây có over development ko.


2. Bãi cất hạ

Bãi cất cánh (viền xanh dương) nằm cách chân đèo khoảng 12km, là một mỏm núi cao hơn 700m chìa ra hướng Đông Đông Bắc, có thể cất cánh hướng Đông Bắc, Đông, Đông Nam, thậm chí là Bắc và Nam. Gió ở bãi cất là gió thung lũng, không bị ảnh hưởng nhiều bởi gió mùa, phía dưới bãi cất là cây cỏ dại khá um tùm và dưới nữa là đường đèo.

Toạ độ bãi cất cánh: 12°14'27.2"N 108°46'28.2"E.


Bãi hạ cánh (viền vàng) nằm cách bãi cất khoảng 3.7km đường chim bay, là một khu vực khá rộng và bằng phẳng. Sau khi hạ cánh có thể đi bộ về quán cơm Chân Đèo (khoảng 15p). Khu vực bãi hạ thường có thermal và có thể bắt lên từ độ cao thấp. Bên cạnh bãi hạ là dòng suối, bờ suối có nhiều đá, mùa mưa nước sẽ cao.

Toạ độ bãi hạ cánh: 12°14'47.7"N 108°48'27.6"E.

3. Các bài tập bay

Khánh Vĩnh là điểm tập bay thermal vỡ lòng cho tới bay các tam giác 30-60-100-150 điểm. Thermal ở Khánh Vĩnh thuộc loại thermal núi điển hình, gió sẽ thổi lên các sườn núi hứng nắng và vùng nâng sẽ tập trung tại khu vực các đỉnh núi. Trong hình ta thấy các mũi tên đỏ là các thermal trườn lên theo các sườn núi, và hội tụ tại các đỉnh núi (ngôi sao màu đỏ). Lưu ý là vẽ nhiều như thế nhưng sườn núi nào hứng nắng và gió nhiều hơn thì sẽ có khả năng có thermal cao hơn. Các mũi tên màu xanh là thermal trườn theo các sống núi.

Lưu ý khi bay ở núi là tránh bay thấp trong các khe núi ở giữa 2 dãy núi song song (các hình lục giác màu đen trong hình trên). Ở đây là các vùng sink kết hợp với gió trong các khe xiết mạnh (mũi tên màu đen) nên việc tiến ra ngoài sẽ bị tụt nhiều + tốc độ chậm. Trong trường hợp lỡ rơi vào đây khi thấp (thấp hơn đỉnh núi) cần đạp speedbar đi ra ngoài nếu gặp vùng sink, hoặc đi dí ngay vào đỉnh núi nào đang hứng nắng ở gần nhất, và lưu ý tránh vùng leeside.


3.1. Bài tập bay thermal cơ bản: Tập bắt thermal ở khu vực bãi cất cánh, đây là khu vực thermal tủ của điểm bay, sau khi đã bắt được tốt thermal ở đây có thể mở rộng khu vực bay và áp dụng bắt thermal tại các khu vực khác quanh khu vực bay.

Sau khi cất cánh bay ra khu vực phía trước bãi cất, gần khu vực đường đèo (khu vực hình oval màu xanh lá cây số 1), bắt thermal lên và trườn dần về phía trên đỉnh bãi khi đã cao (khu vực ngôi sao màu đỏ).

Sau khi đã lên cao có thể bay ra khỏi khu vực thermal (tiến ra phía trước thung lũng) và bắt lại từ đầu hoặc nếu cao hơn các đỉnh núi phía đỉnh đèo thì có thể bắt thermal tiếp về phía đỉnh đèo, đi trên các sống núi.

Nếu không bắt được ở khu vực phía trước bãi cất, đi thẳng ra phía trước tiếp tục có một bình nguyên rộng, bắt thermal ở khu vực này (khu vực oval xanh lá cây số 2) hoặc về khu vực bãi hạ bắt thermal (khu vực hình tròn xanh lá cây số 3).


3.2. Bài tập bay thermal + tam giác cơ bản 30 point:

Sau khi bắt thermal ở bãi cất, di chuyển sang đỉnh núi ở kế bên. Ví dụ bên trái (cách khoảng 3km hướng Bắc).

Bên phải (khoảng 4km hướng Đông Nam). Sau đó bắt thermal ở đỉnh núi này và quay ngược về bãi cất.

Đi qua đi lại giữa 2 đỉnh núi này (sang trái - về bãi cất - sang phải - về bãi cất) chúng ta sẽ có 1 cạnh huyền của tam giác FAI 30 điểm, tam giác này có thể vẽ bằng cách đi lên phía đỉnh đèo (hướng Tây), hoặc đi về bãi hạ (hướng Đông)

Trong trường hợp không bắt được thermal khi bay qua các đỉnh núi hai bên thì phi công có thể về hạ cánh ở bãi hạ hoặc khu vực thung lũng.

TIPS:

- Về cơ bản thì đi lên phía đỉnh đèo sẽ dễ hơn do thermal nhiều và cao hơn do đó có thể đi mở đỉnh và về khép tam giác tại bãi cất, so với việc đi tới bãi hạ rồi bắt thermal quay ngược lại. Thời điểm sau 2h chiều khi thermal đã ổn định thì bắt thermal lên đỉnh đèo rất nhanh và sướng (kinh nghiệm 2020). Nghiên cứu tracklog các kỷ lục ở điểm Khánh Vĩnh với các tam giác trên 50 point thì đỉnh vuông của tam giác FAI thường được mở ở phía đỉnh đèo và kéo dài 2 cạnh sang 2 rìa thung lũng.

- Nhược điểm là nếu đi sâu vào phía trên đèo núi non trùng điệp rừng rú các kiểu trông sẽ ghê hơn, đặc biệt là với các phi công mới tâm lý chưa vững. Tuy nhiên bay ở núi là phải như vậy, các phi công chỉ cần tuân thủ bay trên các sườn núi, đỉnh núi và tránh bay thấp ở các khu vực khe núi thì sẽ an toàn.

- Với tốc độ bay khoảng 10 km/h của các dù A đai ngồi không dùng speedbar mấy thì tam giác này sẽ được vẽ trong khoảng 2h30p. Nếu bay nhanh hơn phi công có thể dùng thời gian rảnh để vẽ lại lần nữa hoặc mở rộng hơn.

- Bài tập này có thể được lặp lại vài lần trong các khoảng thời gian khác nhau vd 11h-14h,14h-16h để làm quen với việc thay đổi điều kiện bay ở điểm bay.


3.3. Bài tập bay tam giác 60 point:


Ở Khánh Vĩnh đã từng có một kỷ lục tam giác 49 point tồn tại được 4 năm (2015-2019) với một đường bay phi ngang qua thung lũng mà về sau này chỉ có Dũng Bim tôi đi lại. Các chuyến bay trên 50p về sau đều bay bám theo núi với các line tốt hơn, toan tính hơn chứ không còn ngây thơ như vậy nữa =))

Bài bay tam giác 60p này với tốc độ khoảng 10km/h có thể hoàn thành trong khoảng 4h đồng hồ, hoàn toàn khả thi với một ngày điều kiện tốt ở Khánh Vĩnh, bay được từ 11h30 tới 4h.

Chúng ta sẽ bắt thermal tại bãi cất, sau đó bay sang trái qua 2 đỉnh núi tới đỉnh núi thứ 3 có hình chóp được gọi là Pyramid (vì nó giống hình kim tự tháp – credit Tú ngẫn – người chưa bay tới Pyramid bao giờ). Sau đó quay về bãi cất và đi sang phải qua 1 đỉnh núi tới đỉnh núi thứ 2, sau đó quay về bãi cất và mở đỉnh ở phía đèo.

Thứ tự của việc mở các đỉnh có thể thay đổi tuỳ theo hứng của phi công.

TIPS:

- Sử dụng 30% tới 50% speedbar để bay quanh khoảng best glide khi di chuyển vào đầu ngày bay (11h-13h), khi điều kiện bay tốt hơn, nhiều thermal hơn (13h-16h) có thể sử dụng 50%-80% để di chuyển nhanh hơn.

- Lặp lại bài tập này một vài lần theo thứ tự mở đỉnh khác nhau để làm quen với điểm bay.

- Bắt thermal vào phía đỉnh đèo và tập đi các line sâu trong núi.

Các line có thể chọn:


Từ điểm A (bãi cất) đi tới điểm B (pyramid) có thể chọn các line sau:

- Line 1 ngoài cùng (màu cam): sau khi bắt thermal tại bãi cất đi tiếp tới 2 đỉnh núi phía Bắc bắt thermal và đi tới pyramid theo line ngay sát mép thung lũng. Ưu điểm của line này là ta có thể về thung lũng hạ cánh nếu không bắt được thermal. Nhược điểm là khoảng cách di chuyển giữa các đỉnh núi là lớn nhất, ngoài ra khu vực di chuyển là ở cửa các khe, do vậy vùng lift không nhiều, phải bay tới các đỉnh núi mới có lift. Thời gian quay thermal sẽ nhiều hơn (do di chuyển mất độ cao nhiều). Ở các cửa thung lũng gió cũng sẽ mạnh hơn. (thổi vào lòng thung lũng)

- Line 2 ở giữa (màu hồng): sau khi bắt thermal ở bãi cất chúng ta đi về hướng Tây lên đỉnh đèo (điểm C, hoặc gần hơn) bắt thermal sau đó di chuyển sang phía Bắc qua các dãy núi. Ưu điểm của line này là bay ở phía trong núi nên gió nhẹ hơn. Lift ở đây mạnh hơn, trần mây cao hơn line 1, do vậy di chuyển sẽ nhanh hơn, quãng đường di chuyển giữa các đỉnh núi cũng ngắn hơn. Nhược điểm: trông thì có vẻ ghê hơn do ở khu vực rừng núi heo hút, nhưng bay cao là được.

- Line 3 trong cùng (màu xanh): sau khi bắt thermal ở bãi đi về hướng Tây lên đỉnh đèo (điểm C) sau đó đi theo các dãy núi ở đỉnh đèo. Ưu điểm: gió nhẹ, là vùng tập trung lift nên vùng nâng nhiều, di chuyển rất nhanh do không phải quay thermal nhiều. Nhược điểm: ghê răng, nhưng bay nhiều thì quen. Chỉ đi được vào các ngày trần mây cao và phải lưu ý mây OD cũng như phải xử lý active flying tốt (để tự tin không sợ oẳng).


3.4. Bài tập bay tam giác 100 point:

Tương tự như bài 60p nhưng dí xa hơn mà thôi. Để bay 100 point ở Khánh Vĩnh cần chọn line tốt và bay nhanh (thường thì bay các line sâu trong núi sẽ nhanh hơn), cùng với điều kiện bay tốt, trần mây cao (1800-2000m), ít OD, thời gian bay tầm giữa tháng 3 – giữa tháng 4 hàng năm. Lưu ý đỉnh ở phía Bắc phải đi vào trong thung lũng khá sâu, đi ra sẽ khó, nếu oẳng trong đó đi bộ ra rất xa, do vậy phải bắt thật cao ở Pyramid. Đỉnh ở phía Đông gió xiết khá mạnh do ở khu vực cửa thung lũng, khi đi ra đó là ngược gió. Có thể tập mở dần từng cạnh một trong các chuyến bay khác nhau rồi mới làm một cú lớn cho quen dần.

Sau bài này thì các phi công có thể tự mở rộng tam giác ra tới 120-130 point theo cùng kiểu task này.


4. Low save – Bắt thermal ở khu vực giữa thung lũng


Ngoài đặc sản là mountain thermal, ở Khánh Vĩnh cũng có thể bay thermal ở khu vực thung lũng, các khu vực làng mạc, bãi hạ cánh, khu dân cư đều là các trigger tốt.

Khu vực bãi hạ cánh và khu vực dân cư gần bãi hạ cánh đều trữ nhiệt tốt và gần con suối, chênh lệch nhiệt độ khiến thermal bốc lên thường xuyên.


Các khu vực làng mạc, các khoảng rừng bị chặt, các khoảng đất trống có màu sắc khác với khu vực xung quanh ở thung lũng Tà Gộc.

TIPS:

- Nếu ko bắt được thermal tại các đỉnh núi, và bị thấp thì hướng lần lượt tới tới các khu vực có màu sắc khác biệt với xung quanh là các trigger tiềm năng, theo thứ tự ưu tiên: các đỉnh đồi thấp và ít cây cối – các khoảng rừng bị đốt cháy (đang cháy càng tốt) – các khu dân cư – các cánh đồng trống – đặc biệt các khu vực có chiếu nắng.

- Bay ở minimum sink (2 phanh ngang tai) khi đi qua các khu vực trigger tiềm năng, bay ở best glide khi di chuyển giữa các khu vực trigger.

- Khi lowsave, thermal sẽ dạt dần vào một vài đỉnh núi gần đó, khi lên cao thermal yếu dần, có thể lao xuôi gió vào đỉnh núi đó để tiếp tục bắt thermal.


5. Đi lại/di chuyển/retrieve


Từ Hà Nội chúng ta có thể bay tới Nha Trang hoặc Đà Lạt, sau đó thuê xe hoặc đi xe khách tới đèo Khánh Vĩnh.

Từ địa điểm tập trung ở quán Chân Đèo lên điểm cất cánh khoảng 10km, đi xe ôm 100k.

Sau khi hạ cánh tại bãi hạ có thể đi bộ về quán Chân Đèo khoảng 10p, hoặc xe ôm lên núi tiếp.

Khu vực đèo Khánh Vĩnh dân cư khá thưa thớt, do đó nếu hạ ở các khu vực ngoài bãi hạ thì nên kiếm chỗ đông dân cư và có đường thì dễ đi nhờ được xe ôm về.


6. Ăn ở/giải trí


Ở Khánh Vĩnh bạn có thể cắm trại, tắm suối, ngủ bờ ngủ bụi.

Nếu rảnh háng có thể bắt xe lên Đà Lạt hái dâu, ăn kem bơ.

Nếu không thích ở tại Khánh Vĩnh có thể về Nha Trang hàng ngày, ăn hải sản, đi tắm biển, đi lặn, đi Vinpearl, đi massage…


7. Các lưu ý khi bay


- Điểm bay Khánh Vĩnh là điểm bay có thermal tốt, mạnh, nhiều và đều, dễ bắt và không quá dữ dội. Do vậy bay ở Khánh Vĩnh sẽ cảm thấy bay thermal khá dễ dàng. Khi chuyển sang các điểm bay khác có thermal mạnh hơn và/hoặc địa hình phức tạp hơn (vd Tây Nguyên, Tam Đường, Khao Sadao) cần lưu ý bay cẩn thận và xử lý active tốt hơn. Khi chuyển sang các điểm bay có thermal nhẹ hơn (vd Đồi Bù) vẫn có thể oẳng do không bắt được thermal yếu, đây là chuyện bình thường.

- Tránh bay thấp ở giữa các khe núi.

- Để ý mây OD, giông.

- Bay cao, càng cao càng tốt.

- Thermal ở Khánh Vĩnh tầm 3-5ms, không quá dữ dội do gió không quá to, và cây cối nhiều, tuy nhiên phải để ý bay active flying tốt, tránh các vùng leeside thermal.

- Phía Bắc bãi cất cánh là thung lũng Tà Gộc, đông dân cư, hạ cánh có thể đi xe ôm về. Tuy nhiên nếu hạ sâu ở gần núi thì đi ra rất lâu, và ít dân cư. Trong trường hợp bay sang phía này và không bắt được lift ở núi có thể về các khu dân cư bắt thermal trên các quả đồi, sau khi cao có thể bám tiếp vào núi để bắt.

- Phía Đông bãi cất cánh dân cư thưa thớt hơn, nếu hạ cánh khả năng tìm được người đi nhờ là khó, cây cối rậm rạp nói chung không nên hạ ở đây, cố gắng bay cao, bắt càng nhiều vùng nâng càng tốt và đi bám núi. Khu vực này nhiều cây cối nên thermal ở thung lũng ít hơn.

- Điểm bay Khánh Vĩnh thuộc sở hữu của CLB Dù lượn Nha Trang, vui lòng liên hệ để đăng ký và báo bay tại đây. Entrance fee 2021: 200.000 vnd/1 ngày, 2.000.000 vnd/1 năm.


Dũng Bim - 2021

bottom of page