Đai là bộ phận bảo vệ bàn toạ, xương sống của bạn, đai ngồi cũng là nơi bạn toạ lạc thưởng ngoạn cảnh quan khi bay, là chỗ để dù phụ, kho chứa đồ của bạn. Hãy chọn một chiếc đai ngồi thoải mái, an toàn cũng như thời trang, tiện dụng và phù hợp với mình.
- Các loại đai: Flying Bubble chia đai ra làm nhiều loại:
+ First Harness: đai đầu tiên mà bạn mua khi bắt đầu bay dù lượn, thường là đai ngồi sử dụng mút bảo vệ hoặc túi khí bảo vệ,
+ Reversible Harness: đai kết hợp với balo đựng dù, giúp bộ dù của bạn gọn nhẹ hơn,
+ Pod Harness: đai kén (còn gọi là đai cocoon), được thiết kế theo khí động học, giúp tăng góc lượn, dành cho các phi công kinh nghiệm bay đường dài, ưu điểm là tăng performance, nhược điểm là phức tạp hơn khi sử dụng, khó vào đai, có thể dẫn tới mắc speedbar, khi gặp collapse thường sẽ dễ twist hơn đai ngồi,
+ Light and Ultralight Harness: các dòng đai nhẹ và siêu nhẹ, tuy vẫn đầy đủ chức năng nhưng sẽ tối giản các chi tiết và làm bằng các vật liệu nhẹ.
+ Mountain Harness: đai dành cho việc vác dù leo lên núi và (thường là) bay xuống, dành cho những chuyến bay ngắn, tối giản hoàn toàn,
+ Acro Harness: đai phục vụ bay nhào lộn, thường thiết kế có thể để được 2 dù phụ,
+ Tandem Harness: đai thiết kế riêng cho bay đôi, không dành cho bay đơn,
+ Paramotor Harness: đai dành cho paramotor, không dành cho paragliding.
Với phi công mới, nên chọn First Harness hoặc Reversible Harness (nếu bay được khoảng 10h bay). Các loại đai còn lại chỉ dành cho phi công có kinh nghiệm.
- Mousse Protection vs Airbag Protection: Trước đây các đai có mút bảo vệ thường là to và nặng nề hơn các đai sử dụng túi khí, tuy nhiên hiện nay các đai mút sử dụng công nghệ mới, không nặng hơn nhiều so với đai dùng túi khí (chênh lệch khoảng 1kg), và khả năng bảo vệ cũng không thua kém nhau mấy. Các đai sử dụng túi khí khi va chạm mạnh hoặc va chạm với các vật nhọn có thể dẫn tới hỏng hoặc nổ túi khí, ưu điểm là gọn nhẹ hơn đai mút. Các đai mút, đặc biệt một số đai mút sử dụng công nghệ Koyrod khi va chạm mạnh cũng có thể dẫn tới hấp thụ lực, làm hỏng mút.
- Kích cỡ đai: Chọn đai theo chiều cao phi công (cm), sau đó tới cân nặng (kg). Tuy nhiên các chỉ số của người Việt Nam thường là không chuẩn, khuyến khích các bạn nếu có điều kiện nên mượn đai, treo lên ngồi thử 5-10 phút xem có thoải mái không. Như ảnh dưới là thông số kích cỡ của đai Icaro AIX, bạn có thể thấy size S dành cho phi công có chiều cao từ 1m55-1m75, cân nặng từ 45-75kg, size M dành cho phi công từ 1m60-1m90, cân nặng từ 55-90kg. Nếu bạn nằm ở khoảng giữa của 2 size này (vd 1m65, 65kg), bạn có thể đeo vừa cả 2 size, do đó nên thử để chắc chắn mình phù hợp với size nào.
- Đai cũ vs Mới: Các đai cũ được bán trên DHV nếu không có hư hỏng gì nhiều hoàn toàn có thể mua với giá chỉ bằng 50% đai mới. Đai mới sẽ sử dụng công nghệ và chất liệu mới, gọn nhẹ hơn so với các đai đời cũ.
- Các hãng đai có đại diện tại Việt Nam: tương tự với các hãng dù ở Phần 1.
- Kinh nghiệm mua đai cũ trên DHV hoặc Facebook: Trước tiên hãy hỏi người bán xem đai có hư hỏng gì không, nếu có thể chụp ảnh để đánh giá là tốt nhất. Khi mua đai có thể bảo người bán ship trực tiếp về Việt Nam qua các hãng vận chuyển DHL, UPS, hoặc qua bưu điện của nước đó. Nhớ ghi nội dung hàng là Backpack, thời gian ship tuỳ thuộc vào hãng vận chuyển, thông thường DHL là khoảng 1 tháng.
Kết luận: Nếu bạn là phi công mới, hãy mua một chiếc đai ngồi có đệm mút hoặc airbag. Các dòng đai không có bảo vệ không thích hợp cho những chuyến bay đầu tiên, cũng như về sau này. Các dòng đai kén chỉ phù hợp cho bay đường trường và thi đấu. Hãy liên hệ với dealer để được tư vấn chọn size, ngồi thử, cân chỉnh sao cho phù hợp nhất.
Dũng Bim